Luật Hùng Sơn
Tổng đài tư vấn luật 24/7 1900 6518

Thừa kế theo pháp luật và cách phân chia di sản?

  • Luật Hùng Sơn |
  • 01-10-2019 |
  • Tư vấn pháp lý khác ,
Rate this post

Do một số nguyên nhân mà người mất chưa kịp để lại di chúc phân chia di sản cho các thành viên trong gia đình hoặc di chúc để lại không hợp pháp theo quy định pháp luật,…. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người được hưởng di sản, thì di sản trong trường hợp này sẽ được thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, cách phân chia di sản thừa kế theo pháp luật như thế nào? Để hiểu rõ hơn mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của luathungson.com.

1. Thừa kế theo pháp luật là gì? Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện được hưởng thừa kế và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Để được thừa kế theo pháp luật thì phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người mất không để lại di chúc
  • Người mất để lại di chúc, tuy nhiên di chúc này không hợp pháp ví dụ như bị đe dọa, cưỡng ép,…
  • Những người thừa kế có tên trong di chúc chết trước người lập di chúc hoặc chết cùng thời điểm với người đó;
  • Tại thời điểm mở thừa kế tổ chức, cơ quan được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại
  • Những người có tên trong di chúc tuy nhiên họ từ chối nhận di sản để lại hoặc họ không có quyền để hưởng di sản này

Ngoài ra, đối với phần di sản thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được áp dụng thừa kế theo pháp luật

  • Phần di sản của người mất để lại tuy nhiên không được người mất phân chia trong di chúc;
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

chia thừa kế theo pháp luật

2. Người thừa kế theo pháp luật

Như vậy, pháp luật quy định người thừa kế theo pháp luật được xác định như nào?

Cụ thể tại Điều 676 bộ luật dân sự 2015 những người thừa kế theo pháp luật sẽ được xác định theo thứ tự: hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Những người cùng một hàng thừa kế thì được hưởng những phần di sản bằng nhau. Gồm:

Hàng thừa kế thứ nhất: vợ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng và ngược lại chồng sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của vợ, mẹ đẻ, cha đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người mất.

Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; nếu người chết là ông nội, bà nội, bà ngoại, ông ngoại thì là cháu ruột của họ

Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, cậu ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; nếu người chết là bác ruột, cậu ruột, chú ruột, cô ruột, dì ruột thì là cháu ruột của họ, nếu người chết là cụ nội, cụ ngoại thì là chắt ruột của họ

Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được hưởng di sản trong trường hợp không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, bị truất quyền hưởng di sản, không có quyền hưởng di sản hoặc người ở hàng thừa kế trước họ từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, nếu con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản hoặc cùng một thời điểm với người đó thì cháu sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu người cháu đó cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt sẽ được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

3. Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

– Khi phân chia di sản, phải dành lại một phần di sản bằng phần di sản mà người thừa kế khác được hưởng nếu có người thừa kế cùng hàng chưa sinh ra nhưng đã thành thai để trong trường hợp nếu người thừa kế đó khi sinh ra còn sống sẽ được hưởng, còn nếu chết trước khi sinh ra thì người thừa kế khác sẽ được.

– Những người thừa kế có quyền được yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; trường hợp hiện vật chia đều được thì có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật được bán để chia và thoả thuận về người nhận hiện vật

– Trong trường hợp nếu có thêm người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì phần chia di sản chia như sau:

  • Trường hợp xuất hiện người thừa kế mới nhưng đã phân chia di sản thì những người thừa kế đã nhận di sản sẽ phải thanh toán lại cho người thừa kế mới này một khoản tiền tương đương với phần di sản của người đó sẽ nhận tại thời điểm chia thừa kế, trừ trường hợp nếu có thoả thuận khác.
  • Trường hợp có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế nhưng đã phân chia di sản thì người đó phải trả lại di sản đã nhận hoặc thanh toán lại một số tiền ngang bằng với giá trị của di sản đã nhận tại thời điểm chia thừa kế cho những ai được hưởng thừa kế, trừ trường hợp nếu có thoả thuận khác.

Có nghĩa là nếu trong trường hợp không có thỏa thuận từ những người được hưởng di sản thừa kế thì chỉ cần đem tổng di sản mà người mất để lại sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ về tài sản thì chia đều cho tất cả những người được hưởng di sản thừa kế nhưng cần xác định chính xác số lượng người được hưởng di sản thừa kế và phải chắc chắn đã thanh toán hết tất cả các chi phí và nghĩa vụ tài sản liên quan đến thừa kế như chi phí mai táng, chi phí bảo quản di sản,…

Như vậy, qua bài viết trên, các gia đình nên nắm rõ để chia di sản thừa kế theo pháp luật một cách chính xác nhất tránh các trường hợp mâu thuẫn giữa anh chị, em trong gia đình xảy ra gây hậu quả đáng tiếc.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Bài viết liên quan

Hotline
Contact Me on Zalo